Mới được tỉnh Thanh Hóa công bố vào tháng 5 vừa qua, tuyến du lịch kết nối các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân vừa có sự mới mẻ, vừa mang tính truyền thống, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những hành trình hấp dẫn.
Một trong những điểm nhấn của tuyến du lịch kết nối này là sự khác biệt nổi trội so với các vùng khác trong tỉnh về hệ thống di tích, danh thắng. Trong đó, nhiều điểm đến được đông đảo du khách biết đến như: Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh và Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân), Đền Đồng Cổ (Yên Định), Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)…
Hiện có 4 tour du lịch nội vùng đã được xây dựng gồm: Làng du lịch Yên Trung – Thành Nhà Hồ – Suối cá Cẩm Lương – Lam Kinh; Làng du lịch Yên Trung – Đền Đồng Cổ – Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Yên Trường – Di tích Phủ Cẩm – Di tích lịch sử Điện Thừa Hoa và Từ đường Phúc Quang; Thành Nhà Hồ – Chùa Giáng – Đàn tế Nam Giao – động Hồ Công – Phủ Trịnh – Danh thắng Kim Sơn – Suối cá thần Cẩm Lương; Lam Kinh – Đền thờ Lê Hoàn – Chùa Quảng Phúc – Làng nghề bánh gai Tứ Trụ – Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Cùng với đó là 6 tour kết nối giữa các trọng điểm du lịch của tỉnh.
Sau một thời gian công bố tuyến du lịch, tour Làng du lịch Yên Trung – Thành Nhà Hồ – Suối cá Cẩm Lương – Lam Kinh đã, đang là tour hút khách, được đông đảo đơn vị lữ hành khai thác.
Một trong những lợi thế của hành trình này đó là giao thông thuận tiện, vừa có thể thu hút khách phía Nam qua Cảng Hàng không Thọ Xuân, vừa có thể thu hút khách phía Bắc qua đường Hồ Chí Minh. Và nếu xuất phát từ TP Thanh Hóa, du khách chỉ cần di chuyển theo hướng Tây khoảng 40 km sẽ đến điểm dừng chân đầu tiên – Làng du lịch Yên Trung (Yên Định). Đây là một điểm du lịch sinh thái lý tưởng mới được đưa vào phục vụ du khách trong vài năm gần đây. Đến với Làng du lịch Yên Trung du khách được trở về không gian làng quê Bắc Bộ xưa mộc mạc mà gần gũi, với cổng làng, bến nước, cầu đá,… Và nếu là người yêu thích hoạt động trải nghiệm, du khách có thể tham gia vào những hoạt động vui chơi, giải trí như: bắt cá, thả diều, cưỡi ngựa, bắn cung, đạp vịt, chèo thuyền kayak,… Ngoài ra, đến với làng du lịch vào dịp cuối tuần và lưu trú qua đêm, bạn còn có cơ hội được trải nghiệm xem chiếu phim ngoài trời vô cùng hấp dẫn.
Chỉ cách Làng du lịch Yên Trung chừng 13 km, du khách sẽ đến với Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc). Đây là một minh chứng hùng hồn cho tinh hoa trí tuệ Đại Việt cuối thế kỷ XIV. Thành trì này được sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ ước tính lên tới trên 25 nghìn m3 đá và trên 100 nghìn m3 đất. Song, điều gây ấn tượng đặc biệt lại nằm ở kỹ thuật xây dựng, với việc gắn kết các khối đá nặng hàng chục tấn. Đây là điều thu hút các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang dày công tìm hiểu, khám phá và gây kinh ngạc cho du khách khi về thăm di sản.
Tiếp nối chặng hành trình khám phá sẽ đưa du khách đến Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) – dòng suối ôm ấp trong mình nhiều điều kỳ diệu. Dòng suối chảy ra từ một hang nước ngầm trong lòng dãy núi Trường Sinh. Cửa hang để nước chảy ra chỉ rộng hơn một sải tay người, với chiều cao chỉ độ vài chục cm, thế nhưng đàn cá sinh sống ở đây đông đúc tới hàng vạn con, ước nặng từ 3 – 7 kg mỗi con. Đặc biệt, cách mà chúng bơi lội nhẹ nhàng luôn mang đến cho du khách cảm giác về cuộc sống yên bình, thư thái.
Tiếp nối chặng hành trình khám phá sẽ đưa du khách đến Suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) – dòng suối ôm ấp trong mình nhiều điều kỳ diệu. Dòng suối chảy ra từ một hang nước ngầm trong lòng dãy núi Trường Sinh. Cửa hang để nước chảy ra chỉ rộng hơn một sải tay người, với chiều cao chỉ độ vài chục cm, thế nhưng đàn cá sinh sống ở đây đông đúc tới hàng vạn con, ước nặng từ 3 – 7 kg mỗi con. Đặc biệt, cách mà chúng bơi lội nhẹ nhàng luôn mang đến cho du khách cảm giác về cuộc sống yên bình, thư thái.
Với niềm tin của người dân về giống cá “thần”, cùng sự bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của chính quyền địa phương, đến nay dòng suối luôn trong vắt, đàn cá đông đúc như minh chứng cho mọi sự kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho người Mường, cho Cẩm Thủy và cho cả xứ Thanh.
Điểm đến cuối cùng trong hành trình đó là Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân). Đến đây, du khách luôn bị cuốn hút bởi những truyền thuyết mang đầy màu sắc huyền bí của một triều đại phong kiến được coi là hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam. Nơi này có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các đời vua.
Đến với hành trình khám phá tuyến kết nối các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân cũng là đến với vùng đất của nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Lễ hội Lam Kinh (Thọ Xuân), Lễ hội đền Đồng Cổ (Yên Định), Lễ hội Khai Hạ (Cẩm Thủy), Lễ hội Phủ Trịnh (Vĩnh Lộc). Cùng với đó là nhiều trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, vừa giàu sắc thái riêng như: trò diễn Xuân Phả, hò Sông Mã, múa Pồn Pôông, hát ru, xường trai gái, phường bùa,… Đồng thời là vùng đất trứ danh của các món ngon, đặc sản nổi tiếng như: nem nướng Thọ Xuân, bánh lá răng bừa, cá rô Đầm Sét, bưởi tiến vua Luận Văn, cơm lam, xôi ngũ sắc, canh uôi… Tất cả đã, đang tạo nên tuyến du lịch với nhiều trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn đối với du khách gần xa khi về với xứ Thanh.
Bài và ảnh: Lê Anh – Theo (vhds.baothanhhoa.vn)
Discussion about this post