Không đơn thuần chỉ là một địa điểm du lịch, hang Con Moong huyện Thạch Thành, Thanh hóa còn là di tích quốc gia đặc biệt, nơi chứa đựng nhiều giá trị khảo cổ vô giá của nhân loại. Hang con Moong là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Thanh Hóa, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1974 và được công nhận là di tích khảo cổ Quốc gia vào năm 2007.
Trên bản đồ du lịch Thanh hóa – Hang Con Moong là một điểm đến ít người biết đến, tuy nhiên với nỗ lực của địa phương và Bộ Văn Hóa, Thể Thao & Du lịch chắc hẳn trong tương lai di tích Hang Con Moong sẽ là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Website dulichthanhhoa.org xin phép được tổng hợp và chia sẻ một số kinh nghiệm du lịch Hang Con Moong Thanh Hóa cho du khách trong bài viết này.
Hang Con Moong ở đâu?
Hang Con Moong nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn quốc gia Cúc Phương, tại bản Mọ Xưa, hiện thuộc thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa – thuộc hệ tầng Đồng Giao, có niên đại khoảng 240 triệu năm. Nằm cách TP. Thanh Hóa khoảng 100km về phía Tây Bắc. Con Moong trong tiếng Mường nghĩa là con thú, nơi đây được đánh giá là di chỉ khảo cổ chứa đựng rất nhiều tư liệu vô giá, còn nguyên vẹn, hoang sơ và kỳ bí. Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận như động người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Lai.. đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg, ngày 23-12-2015.
Hang Con Moong là di tích quốc gia đặc biệt thứ 4 được công nhận của Thanh hóa. Hang Con Moong cùng với các di tích khác như Lam Kinh, Đền Bà Triệu và Thành Nhà Hồ (nay là Di sản văn hóa Thế giới) tạo nên bộ mặt văn hóa đặc sắc của vùng đất Xứ Thanh.
Giá trị vô giá của hang Con Moong Thanh Hóa
Một số nhà khoa học cho rằng hang Con Moong là một trong những nơi có lớp đất được bảo tồn chứa dấu vết của quá khứ dày và nguyên vẹn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hang Con Moong đã ghi lại những biến đổi liên tục, đa dạng của xã hội loài người từ thời kỳ hậu đồ đá đến thời kỳ đồ đá mới, với những minh chứng rõ ràng từ cách sống truyền thống của loài người cùng sự chuyển biến từ săn bắt hái lượm sang trồng trọt ban đầu, từ ở trong hang ra ở ngoài trời, tạo nên bước ngoặt lớn lao trong lịch sử phát triển văn minh nhân loại.
Một quần thể di tích bao gồm hang Con Moong và các di tích liên quan như động người Xưa, hang Đắng, mái đá Mộc Long, hang Lai… phản ánh sự biến đổi của một cộng đồng dân cư trong một thung lũng rộng lớn theo thời gian về mặt số lượng, nơi ở và cách sản xuất. Những người sống ở đây đã góp phần tạo nên văn hóa Đa Bút (huyện Vĩnh Lộc) – là văn hóa của những người tiên phong khai phá đồng bằng ven biển Bắc Bộ, hình thành một nền văn hóa ngoài trời.
Tại đây, những nhà nghiên cứu đã khám phá ra nhiều dấu vết của người tiền sử thông qua các công cụ đá và hóa thạch người cổ trong các lớp địa chất của hang động. Ngoài Hang Con Moong, các nhà khoa học đã khai quật thêm một số hang động khác như Hang Lai, Hang Chùn, Hang Bố Giáo, cùng với các di tích đất đắp núi Đầu Voi, Hang Diêm, Hang Chiêng, Hang Mộc Long, Hang Mái đá Mộc Long… Những hang động này có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt, liên quan mật thiết đến Hang Con Moong và các di tích liền kề trong bối cảnh tiền sử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Tiềm năng du lịch của hang Con Moong
Tiềm năng du lịch văn hóa và du lịch sinh thái của quần thể di tích hang Con Moong là vô cùng to lớn, có thể nói đây sẽ là một điểm đến thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thanh Hóa trong thời gian sắp tới.
Để bảo tồn và khai thác tối đa giá trị văn hóa của Hang Con Moong, huyện Thạch Thành đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển di tích, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Qua sự phối hợp chặt chẽ với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khảo cổ học và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, hàng loạt hoạt động khai quật và nghiên cứu về giá trị của di tích đã được triển khai. Đồng thời, các công trình tôn tạo và tu bổ được xây dựng để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển di tích.
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường công tác tuyên truyền và quảng bá, đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các dự án và công trình nhằm phát triển giá trị của di tích. Một dự án quan trọng đã được UBND tỉnh phê duyệt là dự án xây dựng đường giao thông kết nối Quốc lộ 217B với khu di tích, cùng với đó là sự đầu tư của doanh nghiệp vào khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái suối khoáng nóng tại xã Thành Minh, với tổng mức đầu tư 610 tỷ đồng.
>>> Xem thêm: Du lịch động Từ Thức – khám phá hang động “Nam thiên đệ nhất động” và tìm hiểu câu chuyện Từ Thức gặp tiên
Đặc biệt, vào ngày 18-9-2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thạch Thành tổ chức lễ công bố quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và khai thác giá trị của Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích liền kề theo Quyết định số 1290/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khu vực bảo tồn di tích và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích có tổng diện tích 977,568 ha, bao gồm các xã Thành Yên và Thành Minh, trong đó có khu vực bảo vệ của các điểm di tích cụ thể như Hang Con Moong, Hang Lai, Hang Diêm, Hang và Mái đá Mộc Long, Hang Lý Chùn, Hang Bố Giáo và thành đất đắp Đầu Voi.
Trong tương lai, UBND tỉnh và UBND huyện Thạch Thành sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để quy hoạch phát triển không gian các khu vực khai thác giá trị di tích. Đồng thời, hướng đến việc phát triển các hình thức du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng như homestay, xây dựng các tuyến và điểm du lịch nội vùng, liên huyện, liên tỉnh nhằm kết nối Hang Con Moong với các điểm du lịch trong tỉnh cũng như các di tích trong Vườn quốc gia Cúc Phương ở Ninh Bình. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch tìm hiểu lịch sử, khảo cổ và văn hóa của các dân tộc. Qua đó, đầu tư và kêu gọi đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng và dịch vụ du lịch cũng sẽ được thúc đẩy.
Khi đến Thành Yên, nơi có hang Con Moong – một di tích Quốc gia đặc biệt, du khách sẽ được trải nghiệm không chỉ vẻ đẹp của di tích mà còn sự đa dạng văn hóa đặc trưng của người dân tộc Mường, với tinh thần mến khách và thân thiện. Ngoài việc khám phá hang Con Moong, du khách cũng có thể khám phá những điểm du lịch sinh thái khác như Thác Mây ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, suối cá thần Cẩm Lương ở Cẩm Thủy, rừng Quốc gia Cúc Phương và chùa Bái Đính ở Ninh Bình. Mỗi địa điểm mang một vẻ đẹp và trải nghiệm độc đáo, tạo nên một hành trình du lịch đa sắc mà du khách không thể bỏ qua khi đến với vùng đất xứ Thanh
Đăng lần đầu: June 10, 2023 @ 3:37 pm
Discussion about this post