Lễ hội Phủ Trịnh được tổ chức tại xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Lễ hội nhằm mục đích tri ân, tưởng nhớ các vị vua, những người anh hùng – những người có công lao to lớn để dựng nước và giữ nước. Đây cũng là hoạt động góp phần phát triển du lịch tại khu di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt và các điểm du lịch tại Thanh Hóa nói chung. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Lễ hội Phủ Trịnh huyện Vĩnh Lộc trong bài viết dưới đây nhé!
Lễ hội Phủ Trịnh tổ chức ở đâu và khi nào?
Lễ hội Phủ Trịnh thường kéo dài khoảng 3 ngày từ ngày 16 đến 18/2 âm lịch tại Khu Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Lễ hội Phủ Trịnh thể hiện đặc trưng văn hóa của xã hội Việt Nam và là sự kiện có tính lưu giữ nét đẹp văn hóa lịch sử. Tất cả hướng đến mục tiêu bảo tồn nét văn hóa đặc trưng riêng của vùng miền. Đồng thời đảm bảo cho việc duy trì bền vững lâu dài của lễ hội trong bối cảnh mới.
Qua việc tổ chức lễ hội hằng năm như một cách khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tại huyện Vĩnh Lộc nói riêng và tại Thanh Hóa nói chung trong hành trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Phủ Trịnh có gì độc đáo?
Lễ hội Phủ Trịnh bao gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là các nghi thức truyền thống, bao gồm: Lễ Tiên thường cáo yết, Lễ Cáo yết. Ngày chính lễ sẽ triển khai các hoạt động: Dâng hương, Lễ Chánh kỵ, Chương trình nghệ thuật “Trung Hưng gấm vóc” tại Phủ Trịnh – Nghè Vẹt.
Kết thúc phần lễ là diễn ra phần hội, là không gian hội tụ của các hoạt động văn hoá, thể thao, trò chơi dân gian như trưng bày 30 gian hàng giới thiệu sản phẩm đặc trưng huyện Vĩnh Lộc và phụ cận; các tiết mục văn nghệ ca ngợi quê hương đất nước; chương trình nghệ thuật tổng hợp phục vụ nhân dân; kéo co;… và nhiều trò chơi hấp dẫn khác, thu hút sự quan tâm của nhân dân trong vùng và du khách ghé thăm.
Giới thiệu về Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt
Di tích Phủ Trịnh – Nghè Vẹt nằm trên địa phận làng Sáo Sơn – Biện Thượng nay thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Xưa kia, Phủ Trịnh tọa lạc trên một vùng đất rộng, và là nơi Chúa làm việc, tiếp khách, khu nội phủ là nơi ở của Chúa, khu làm việc của các quan, khu thờ cúng, hồ thưởng ngoạn. Ngày nay, tại di tích này chỉ còn lại căn nhà ngói 7 gian với các bài vị, câu đối, các minh khí, các con giống bằng gỗ,… được sắp xếp gọn gàng có trình tự.
Nghè Vẹt cách Phủ Trịnh không xa, chừng 500 m. Trước thờ Thành Hoàng làng, sau thành nơi thờ chúa Trịnh. Nghè Vẹt là không gian nhà gỗ có 12 gian thờ 12 bài vị của 12 vị chúa Trịnh. Phía Hậu cung là nơi đặt bài vị Đại vương Trịnh La. Trong gian thờ có 2 con vẹt cao hơn 2m, được sơn son thếp vàng đứng chầu cạnh bàn thờ. Theo truyền thuyết kể lại vẹt là linh vật của nhà Trịnh, đồng thời là biểu tượng của dòng họ Trịnh thời bấy giờ. Đến nay khu di tích này hầu như còn nguyên vẹn và giữ được nét cổ kính khi trường tồn cùng năm tháng tại mảnh đất Vĩnh Lộc thân yêu.
Truyền thuyết về Trịnh Kiểm
Theo sử sách ghi chép lại, năm 17 tuổi, Trịnh Kiểm đã là người có tài trí hơn người người. Lúc bấy giờ, vào năm Đinh Hợi, Mạc Đăng Dung đã tiếm ngôi vua Lê. Mẹ Trịnh Kiểm là bà Hoàng Thị Đốc đã đem con đến xin Ninh Bang hầu cho Trịnh Kiểm làm gia thần và đã được Ninh Bang đồng ý. Ninh Bang lệnh cho Trịnh Kiểm trông coi trại ruộng ở sách Thọ Liêu. Trịnh Kiểm nuôi trâu ngựa. Hằng ngày, ông được người bạn tên là Vũ Thì An dạy cho cách huấn luyện ngựa, có thể biết được ngựa hay.
Một thời gian sau, Trịnh Kiểm đã ăn cắp con ngựa tốt nhất chạy sang sách Cổ Lũng, Cẩm Thuỷ theo anh họ là Trịnh Quang, lúc đó đã theo Nguyễn Kim, và đón mẹ Trịnh Kiểm sang ở. Biết tin Trịnh Kiểm ăn cắp ngựa của mình, Ninh Bang đã sai quân lính truy bắt mẹ con Trịnh Kiểm. Ninh Bang hầu tìm không thấy tung tích của Trịnh Kiểm nên tức tối bắt mẹ ông là bà Hoàng Thị Đốc giam lại. Sau đó đem lồng tre nhốt mẹ Trịnh Kiểm rồi thả trôi sông. Tuy nhiên, xác thân mẫu Trịnh Kiểm không chìm mà cứ nổi lên. Xác trôi dọc sông, bên trên, đàn vẹt đến hàng trăm con tập hợp lại lượn quanh, bảo vệ thân xác bà. Xác trôi đến xứ Quai Vạc, có người ở làng Đông Biện nhìn thấy và báo cho người làng đem cuốc xẻng ra an táng. Dân làng khi ra đến nơi thì thấy mối đùn ra tận dòng sông, lấp kín thân xác thành ngôi mộ lớn.
Đến nay quần thể Di tích lịch sử văn hóa Phủ Trịnh được xây dựng và trở thành điểm đến của du khách địa phương và các tỉnh thành đến thăm. Đây cũng chính là niềm tự hào của xứ Thanh về nét văn hóa được lưu truyền cho đến ngày nay. Đến với lễ hội Phủ Trịnh, ngoài việc được trải nghiệm không gian văn hóa tâm linh đặc sắc, bạn còn cơ cơ hội tham quan, khám phá nhiều di tích trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong đó có thể kể đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, danh thắng Kim Sơn, động Hồ Công, di tích Lam Kinh…, Tất cả sẽ tạo không gian văn hóa – lịch sử hấp dẫn khiến bạn không thể nào quên.
Đăng lần đầu: July 27, 2023 @ 3:09 am
Discussion about this post