Luôn đứng tốp đầu cả nước về việc thu hút khách nhưng cơ cấu nguồn khách của du lịch Thanh Hóa lại có sự chênh lệch khá rõ do thiếu sản phẩm du lịch đa dạng.
Chiều 25-8, tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Thanh Hóa với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, ông Nguyễn Văn Thi – phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – cho biết thời gian qua du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về việc thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, thị trường khách truyền thống của du lịch Thanh Hóa hiện đang là các tỉnh, thành phố phía Bắc, đặc biệt là thủ đô Hà Nội. Hiện nay, cơ cấu khách của tỉnh đang có sự chênh lệch khá rõ khi 80% đến từ các tỉnh phía Bắc và vùng lân cận, chỉ có 20% khách đến từ các tỉnh miền Nam.
Với cơ cấu nguồn khách hiện nay, du lịch tỉnh dù đạt được mục tiêu về số lượng khách đón nhưng chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có, đặc biệt trong khai thác đường hàng không. Nhiều đường bay của các hãng hàng không nối Thanh Hóa với TP.HCM cũng như các tỉnh Đông Nam Bộ được khai trương nhưng khó duy trì vì không đủ nguồn khách.
“Năm 2023, với mục tiêu đón trên 12 triệu lượt khách, ngay từ đầu năm, du lịch Thanh Hóa đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để đón và phục vụ khách du lịch. Hiện sân bay Thọ Xuân đón khoảng 25 chuyến bay mỗi ngày từ TP.HCM, tỉnh muốn nâng cấp sân bay này thành sân bay quốc tế trong tương lai gần để đón khách quốc tế từ Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…”, ông Thi cho biết thêm.
Du lịch Thanh Hóa được đánh giá là hội tụ đủ tiềm năng của ba vùng kinh tế là vùng núi và trung du, vùng đồng bằng và vùng ven biển. Đây cũng là nơi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch phong phú, có giá trị quốc gia và quốc tế như Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và 5 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt gồm: di tích Lam Kinh, Hang Con Moong, Đền Bà Triệu, đền Lê Hoàn và thắng cảnh Sầm Sơn…
Cùng với đó là nhiều thắng cảnh nổi tiếng như Vườn quốc gia Bến En, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, suối cá thần Cẩm Lương, thắng cảnh Hàm Rồng – Sông Mã… và trên 300 lễ hội văn hóa đặc sắc, ẩm thực địa phương phong phú, hấp dẫn…
Để thu hút dòng khách các tỉnh phía Nam, các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh sẽ là lợi thế cạnh tranh. Với 1.535 di tích lịch sử, đặc biệt là việc mở cửa chính điện của quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức thường xuyên… địa phương đang định hình trở thành điểm đến văn hóa lịch sử với nét riêng.
Trong những năm qua, du lịch Thanh Hóa luôn đứng trong tốp đầu của cả nước về thu hút khách du lịch. Năm 2022, tổng lượt khách đến Thanh Hóa đạt 11,038 triệu lượt, với tổng thu du lịch đạt 20.060 tỉ đồng. 7 tháng đầu năm 2023, Thanh Hóa đón được 10, 295 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 19.642 tỉ đồng.
Ông Dương Anh Đức – phó chủ tịch UBND TP.HCM – cũng cho biết đặc trưng của ngành du lịch là tính liên kết cao, du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển hàng hóa, đi lại của nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Tính đến nay thành phố đã liên kết du lịch với 5 vùng với 49 tỉnh thành trong cả nước. Với vai trò là một trung tâm du lịch cả nước, hoạt động liên kết du lịch đã tạo nhiều thế hệ, dòng khách giữa TP.HCM và các địa phương khác, gia tăng sức hấp dẫn của điểm đến tạo nên một điểm đến, hành trình nhiều trải nghiệm thú vị cho những khách trong và ngoài nước.
Ông Dương Anh Đức khẳng định TP.HCM sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các tỉnh, thành thực hiện các hoạt động xúc tiến cũng như là quảng bá du lịch của mình ở thành phố. TP.HCM cũng kỳ vọng thông qua hoạt động liên kết, các địa phương sẽ hút khách du lịch trong và ngoài nước ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Tuoitre
Discussion about this post