Thanh Hóa là nơi hội tụ nhiều điểm du lịch giàu tính lịch sử, rất phù hợp cho các hoạt động du xuân, cầu may đầu năm. Dưới đây là 10 địa điểm du lịch Thanh Hóa đầu xuân mà bạn có thể cùng gia đình, bạn bè đến trải nghiệm để tận hưởng khoảng thời gian thật thanh tịnh, an yên trong những ngày đầu năm mới.
1. Hồ Cửa Đạt
Hồ Cửa Đạt là quần thể di tích nằm trọn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 60km về hướng Tây. Hồ thuộc xã Xuân Mỹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hằng năm, vào đầu tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, hàng vạn người dân và du khách lại hành hương về đền Cửa Đạt để dâng hương cầu lộc, cầu tài. Đền thờ Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt. Theo sử sách, Danh nhân Cầm Bá Thước, sinh ra ở huyện Thường Xuân, một trong những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương, hi sinh khi mới 37 tuổi. Còn theo truyền thuyết, Bà Chúa Thượng Ngàn, sinh vào thời nhà Trần, có công cứu nạn dân chúng nên được phong thánh. Tưởng nhớ công ơn của Danh nhân Cầm Bá Thước và Bà Chúa Thượng Ngàn, Nhân dân đã lập 2 ngôi đền ở đây để thờ phụng.
Ở hồ Cửa Đạt còn có Đền Thượng – nằm trên một quả đồi cao cạnh hồ chứa nước thờ những người thợ hi sinh trong những năm xây dựng công trình kì vĩ này. Không chỉ nổi tiếng với những ngôi đền thiêng, quần thể di tích Cửa Đạt còn có cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Hồ Thủy điện Cửa Đạt là nơi du khách du thuyền ngắm cảnh, câu cá, thưởng thức những món ăn dân dã, hòa mình vào thiên nhiên kì thú, hùng vĩ và thanh bình.
>>> Khám phá: Địa điểm du lịch Thường Xuân
2. Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh
Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm cách TP. Thanh Hóa 50 km về phía Tây Bắc, trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1962, tiếp đó, năm 2012, nơi đây được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt. Được biết, sau khi đánh đuổi giặc Minh, lên ngôi hoàng đế và đóng đô ở Thăng Long, vua Lê Thái Tổ đã cho xây dựng các kiến trúc điện, miếu… ở Lam Kinh, làm nơi ở của các vua Lê khi về quê và nơi yên nghỉ của các vị vua Lê.
Lam Kinh là đất tổ nhà Lê, nơi sinh ra anh hùng dân tộc Lê Lợi và là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Lam Sơn lừng lẫy chiến công ở thế kỷ XV. Đã thành thông lệ, vào mỗi dịp đầu năm mới, rất đông du khách thập phương về Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) để du xuân, vãn cảnh, dâng hương.
3. Phủ Na
Phủ Na hay còn gọi là Na Sơn Động Phủ nằm ở chân dãy núi Nưa, thuộc xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa. Nơi đây là vùng đất thiêng và là nơi bà Triệu Thị Trinh dấy binh đánh quân xâm lược Đông Ngô (năm 248).
Lễ hội đền Phủ Na kéo dài trong suốt tháng 1 âm lịch hàng năm. Ở đây thờ Bà Triệu, công chúa Liễu Hạnh, mẫu Thượng Ngàn. Du khách đến Phủ Na cầu may mắn, bình an, mùa màng tươi tốt. Đến với Phủ Na, du khách còn được xin “nước thánh”, một nguồn nước chảy từ dãy núi Nưa ra để xin lộc.
4. Đền Nưa – Am Tiên
Nằm trên đỉnh núi Nưa của làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) quần thể di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên là 1 quần thể bao gồm “núi Nưa – đền Nưa – Am Tiên”, với tổng diện tích 100 ha , gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu. Nơi đây không chỉ được biết đến là nơi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa, mà còn là một trong 3 huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.
Theo tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là một trong những huyệt khí rất linh thiêng. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 9 tháng Giêng là ngày “mở cổng trời”. Nơi “mở cổng trời” là vị trí cao nhất của đỉnh núi, vị trí huyệt đạo. Vào những ngày trời quang mây tạnh, từ huyệt đạo có thể quan sát làng mạc, những cánh đồng rộng lớn. Theo quan niệm dân gian, người dân và du khách khi đến huyệt đạo, nam đi 7 vòng, nữ đi 9 vòng xung quanh sẽ được mạnh khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, đủ đầy…
Đặc biệt, trên đỉnh ngọn núi có giếng nước gọi là giếng Tiên, dù mùa nắng hay mùa mưa đều không bao giờ hết nước. Nhiều người khi đến đây còn xin nước uống để cầu sức khỏe, may mắn…
5. Chùa Thanh Hà
Chùa Thanh Hà là địa điểm du xuân hấp dẫn tại TP. Thanh Hóa. Nơi này là điểm đến phổ biến trong dịp Tết, vào Mùng 2 Tết, hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa và các vùng lân cận tập trung tại chùa Thanh Hà để cầu may và bình an cho năm mới. Đây là dịp quan trọng để gia đình và bạn bè quây quần bên nhau và thực hiện các nghi lễ tâm linh truyền thống.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, khuôn viên chùa Thanh Hà được trang hoàng với đèn lồng và nhiều loại hoa, tạo nên một không gian rực rỡ. Sựu kiện này thu hút từ người già đến trẻ nhỏ, mọi người đến chùa với tâm trạng tôn nghiêm và mong muốn một năm may mắn, bình an và thịnh vượng.
6. Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng
Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng là một trong những địa điểm đẹp để du xuân Thanh Hóa. Với vị trí độc đáo trên đỉnh đồi C4 Hàm Rồng, nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn có cảnh sắc thiên thiên tuyệt đẹp và không gian yên bình. Trong dịp đầu xuân năm mới, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng thường thu hút đông đảo du khách và người dân đến đây để cầu may mắn và bình an cho bản thân và gia đình.
Bên cạnh các hoạt động du xuân đi lễ đầu năm, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng Thanh Hóa còn thường xuyên tổ chức các buổi lễ cầu phúc và tiệc chay cho du khách. Nếu du lịch Thanh Hóa vào dịp đầu xuân năm mới, đừng quên ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng để trải nghiệm không khí xuân rộn ràng ở vùng đất lịch sử này.
7. Chùa Giáng Vĩnh Lộc
Chùa Giáng Thanh Hóa là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ triều vua Trần Duệ Tông, tọa lạc ở chân núi Đốn Sơn (huyện Vĩnh Lộc) xưa được liệt vào kỳ quan bậc nhất của xứ này.
Chùa Giáng có vị trí địa thế thuận về sông, núi, thoáng gió, tụ khí, dòng chảy, phương vị. Nhà Phật điện được trùng tu năm Bảo Đại thứ 14, kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, bao gồm tiền điện 5 gian, thượng điện 2 gian. Nhà tiền điện có 13 pho tượng được tạc bằng gỗ, sơn son, thếp vàng. Tượng được bố trí thành 6 lớp theo trật tự từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao.
Khuôn viên chùa Giáng được giới hạn bởi cây đa sum suê, cây mít lá xanh đế, gỗ vàng đều mang linh khí của thần, là cây đại hút sinh lực của trời truyền cho đất, cây sung kết trái từng chùm, những rặng tre vươn cao tầm không đức độ, hàng cây thẳng tắp tỏa tán, những bông hoa hồng ngan ngát hương thơm, tất cả tạo nên một thế giới tâm linh.
Với vị thế đẹp, kiến trúc hoa văn trang trí độc đáo, cùng với sự linh thiêng, chùa Giáng Thanh Hóa không chỉ là điểm thu hút nhiều khách du lịch mà đây còn là điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh.
8. Đền Trần Thanh Hóa
Đền Trần Thanh Hóa thuộc làng Thổ Khối, xã Yên Dương, huyện Hà Trung, ngôi đền đã có lịch sử xây dựng gần 700 năm thờ Đức Thánh Trần – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ được những hiện vật cũ như long ngai, bài vị, bát hương đá, mũ thờ, kiếm, đặc biệt là con dấu (ấn triện), cho thấy quá trình tồn tại của ngôi đền trong lịch sử.
Hàng năm đền Đền Trần Thanh Hóa được tổ chức hai kỳ lễ lớn là Rằm Tháng Giêng gọi là lễ khai ấn và lễ hội chính vào ngày kỵ của đức thánh Trần (từ ngày 19 đến 21 tháng 8 âm lịch).
Mặc dù không nổi tiếng như ở Nam Định, thế nhưng lễ khai ấn đền Trần ở Thanh Hóa vẫn thu hút hàng ngàn người dân tới dự lễ, xin ấn. Đây là lễ hội truyền thống của người dân địa phương nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Thánh Trần – Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn.
9. Chùa Bụt Hải Tiến
Là một trong những ngôi chùa ở Hải Tiến mới được trùng tụ và mở cửa đón khách du lịch tham quan đông đúc từ năm 2020 tại khu du lịch biển Hải Tiến Thanh Hóa. Chùa Bụt Hải Tiến thuộc địa phận xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa nối với khu vực phía bên ngoài là bãi đá Hòn Bò nổi tiếng được du khách yêu thích những năm gần đây.
Ghé thăm chùa Bụt Thanh Hóa bạn không chỉ cảm thấy bình yên, thư giãn trút bỏ gánh nặng mệt mỏi thường nhật. Mà ở đây, bạn còn có cơ hội tham quan, trải nghiệm không gian tâm linh với kiến trúc độc đáo, rộng rãi, nguy nga, xen lẫn nét đẹp bình dị và nghe tiếng sóng biển vỗ về vô cùng thư giãn, an yên.
10. Chùa Cao Hà Lĩnh
Chùa Cao (xưa gọi là chùa Vĩnh Phúc nằm tại làng Cối Thị) tọa lạc trên sườn núi Viễn Vông thuộc xã Hà Lĩnh (Hà Trung, Thanh Hóa). Chùa Cao nằm trong quần thể di tích chùa Cao và phủ Trung, nhưng chùa Cao tọa lạc trên sườn núi Chùa Cao (núi Viễn Vông), còn phủ Trung (đền Cối Thị) thì tọa lạc dưới chân núi. Từ dưới phủ Trung đi bộ lên khoảng 300m thì đến chùa. Đứng trên nền chùa chúng ta có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn của thị trấn Hà Trung.
Chùa Cao Thanh Hóa là một điểm tham quan du lịch tâm linh vào dịp đầu xuân năm mới với lối kiến trúc độc đáo và nổi tiếng với cây cầu kính trên bàn tay Phật. Điều này đã làm cho chùa Cao Hà Lĩnh trở thành một điểm đến hấp dẫn cho giới trẻ, nơi họ có thể tham gia chụp hình và check-in trên mạng xã hội.
Những địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa đầu xuân ở trên có thể giúp bạn và người thân có những lựa trọn trải nghiệm để tận hưởng khoảng thời gian thanh tịnh, an yên trong những ngày đầu năm mới. Tham khảo thêm: Top 10 địa điểm du xuân Thanh Hóa hấp dẫn mà dulichthanhhoa.org đã giới thiệu.
Những Lưu ý khi du lịch tâm linh Thanh Hóa dịp đầu năm
Nếu bạn lựa chọn du lịch tâm linh tại Thanh Hóa vào dịp đầu năm, thường là vào dịp sau Tết Nguyên Đán, dưới đây là một số lưu ý quan trọng:
- Lịch trình đông đúc: Dịp Tết là thời điểm nghỉ lễ quan trọng nhất trong năm tại Việt Nam, vì vậy bạn nên mong đợi rằng các điểm đến tâm linh sẽ rất đông người. Nên lập kế hoạch và sắp xếp thời gian dự trù cho việc xem lễ hội, thăm đền chùa và tham gia các hoạt động tâm linh.
- Đặt phòng trước: Nếu bạn có ý định ở lại qua đêm, hãy đặt phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ từ trước, đặc biệt là nếu bạn định ở gần các khu vực tâm linh. Không gian lưu trú thường sẽ đắt hơn và nhanh chóng hết phòng trong dịp này.
- Lưu ý giờ mở cửa: Nhiều điểm đến tâm linh tại Thanh Hóa sẽ có thời gian mở cửa và lễ hội đặc biệt vào dịp Tết. Hãy kiểm tra thông tin về giờ mở cửa và lễ hội trước khi bạn đến.
- Giao thông: Giao thông trong dịp Tết có thể rất tắc nghẽn, đặc biệt là ở các đô thị lớn như Thanh Hóa. Lên kế hoạch sẵn sàng cho việc di chuyển và nên sử dụng các phương tiện công cộng hoặc thuê xe nếu cần.
- Chuẩn bị tiền mặt: Nhiều địa điểm du lịch tâm linh Thanh Hóa có thể không chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử, vì vậy hãy luôn mang theo đủ tiền mặt để tránh bất tiện.
- Tôn trọng lễ hội và nghi lễ: Trong dịp Tết, tâm linh và lễ hội thường được tôn trọng và kỷ niệm nghiêm túc hơn. Hãy luôn duy trì sự tôn trọng và không gây ồn ào hoặc hành động không thích hợp trong các nơi tâm linh.
- Trang phục phù hợp: Trong các nơi tâm linh, quy định về trang phục thường khá nghiêm ngặt. Hãy mặc áo dài, quần dài, và tránh mặc quá gợi cảm hoặc quá lòe loẹt.
- Tìm hiểu trước về nghi lễ Tết: Trước khi bạn đến, nên tìm hiểu về các nghi lễ và truyền thống Tết của địa phương.
Dịp Tết là thời điểm đặc biệt để trải nghiệm tâm linh và văn hóa Việt Nam, nhưng cũng cần lưu ý những điều trên để có một chuyến du lịch suôn sẻ và ý nghĩa.
Đăng lần đầu: September 9, 2023 @ 8:59 am
Discussion about this post