Qua lời kể của các cụ cao niên, nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Mường, Thái trên địa bàn huyện Như Thanh có từ lâu đời. Trước đây, hầu hết gia đình người Mường, người Thái đều có ít nhất một khung dệt trong nhà và nghề thêu, dệt thổ cẩm trở thành công việc mà người phụ nữ nào cũng phải biết. Thậm chí, các bé gái từ 10 tuổi đã được người trong gia đình truyền lại các thao tác cơ bản của nghề thêu, dệt. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái ở đây đều thành thạo, nhuần nhuyễn với nghề, trở thành những người thợ thêu, dệt thổ cẩm chuyên nghiệp của làng, bản.
Đến nay, khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm thủ công không còn nhiều, nghề truyền thống vì thế cũng dần mai một, những “hạt nhân” gắn bó với nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước thực trạng này, huyện Như Thanh đã có chủ trương bảo tồn, khôi phục nghề thêu, dệt thổ cẩm bằng việc mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề thêu, dệt thổ cẩm cho lao động nữ nông thôn. Với mục đích nhằm góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện nói chung, đồng bào dân tộc Thái, Mường nói riêng.
Theo báo cáo của Hội LHPN huyện, từ đầu năm 2022 đến nay, hội đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX tổ chức 3 lớp dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm của người dân tộc Thái, với sự tham gia của hơn 70 học viên là chị em phụ nữ tại các thôn Xuân Tiến (xã Xuân Khang); Thanh Vinh, Tân Vinh, Thanh Quang (xã Thanh Tân) và thôn Mó (xã Cán Khê).
Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh – Lê Thị Giang cho biết: Được cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện trong việc tổ chức các lớp dạy nghề, chị em rất phấn khởi, hăng hái, nhiệt tình học tập. Kết thúc các lớp tập huấn, cơ bản học viên đều nắm vững kiến thức cơ bản về kỹ năng nghề, thực hành thành thạo và đã ứng dụng để sản xuất, góp phần tăng thêm thu nhập. Về phía Trung tâm GDNN – GDTX tạo điều kiện về kinh phí theo quy định để hỗ trợ trong quá trình học tập, giảng dạy, thực hành. Đặc biệt, giảng viên trực tiếp hướng dẫn thực hành là người bản địa có kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm trong việc truyền nghề cho học viên. Đến nay, chị em đã thêu, dệt được nhiều sản phẩm như khăn, váy, túi, vải trắng… để bán ra thị trường.
Được biết, trong năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp với UBND huyện Như Thanh tổ chức lớp tập huấn nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Mường tại xã Xuân Thái, với sự tham gia của 60 học viên. Thông qua chương trình tập huấn các học viên đã được truyền đạt về giá trị truyền thống, bản sắc của dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch; nguồn gốc, giá trị trang phục và nghệ thuật tạo hình hoa văn truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Hóa; cách thức bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Cùng với đó, các nghệ nhân đồng bào dân tộc Mường tại xã Xuân Thái trực tiếp tham gia hướng dẫn từng công đoạn để học viên làm nên những bộ trang phục truyền thống mang đặc trưng của dân tộc mình. Với hình thức truyền dạy như vậy đã giúp chị em nắm bắt cơ bản các bước dệt nên tấm vải thổ cẩm, góp phần nâng cao ý thức trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh – Đinh Xuân Thắng cho biết: Cùng với công tác đào tạo nghề cho cộng đồng dân cư, công tác quảng bá sản phẩm cũng được huyện đặc biệt chú trọng. Trong thời gian qua, phòng văn hóa – thông tin đã tích cực đấu mối với các điểm du lịch cộng đồng, Vườn Quốc gia Bến En để trưng bày, quảng bá và bán các sản phẩm thêu, dệt thủ công truyền thống của người dân nhằm phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, huyện Như Thanh đã ban hành Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc được gắn liền với mô hình phát triển du lịch cộng đồng của huyện.
Có thể nói, việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Như Thanh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trong đó, nghề thêu, dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường, Thái có nhiều điều kiện để phát triển, khi Như Thanh đã, đang được quan tâm đầu tư trở thành trọng điểm du lịch cộng đồng, văn hóa tâm linh và sinh thái nghỉ dưỡng của tỉnh trong tương lai.
Đăng lần đầu: October 2, 2023 @ 5:05 pm
Discussion about this post