Lễ hội Mường Xia hoạt động văn hóa – tín ngưỡng độc đáo, đậm đà bản sắc và gắn với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Thái huyện Quan Sơn, Thanh Hoá. Đây là dịp để người dân trong tưởng nhớ công ơn của tướng quân Tư Mã Hai Đào – người có công lao to lớn tiến quân đánh tan quân xâm lược, mang lại cuộc sống ấm no, bình yên cho người dân phía Tây Thanh Hoá. Hãy cùng chúng tôi khám phá lễ hội Mường Xia và truyền thuyết của lễ hội trong nội dung bài viết dưới đây.
Thời gian tổ chức lễ hội Mường Xia là khi nào?
Theo truyền thống, lễ hội Mường Xia được diễn ra trong cả 2 ngày Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch hằng năm. Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, khẳng định sự nỗ lực cố gắng của chính quyền các cấp và Nhân dân huyện Quan Sơn trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn huyện Quan Sơn, Thanh Hoá.
Đây là hoạt động văn hoá tâm linh của cộng đồng người Thái, lễ hội là dịp để người dân bày tỏ lòng thành kính với tướng quân Tư Mã Hai Đào. Đây là người người đã có công lao trong công cuộc diệt trừ quân xâm lược, giữ bình yên và cuộc sống ấm no cho người dân xứ Thanh.
Truyền thuyết Tướng quân Tư Mã Hai Đào
Theo truyền thuyết kể lại, Tướng quân Tư Mã Hai Đào là người con của bản Mường Đào, xã Điền Quang, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ đã mất cả cha lẫn mẹ. Được biết ông là đứa trẻ thông minh, yêu thích bắn cung và mài kiếm.
Lớn lên Tư Mã Hai Đào có vóc dáng lực lưỡng, tướng mạo phi phàm, võ nghệ hơn người. Nghe tin triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ hiền tài, ông được quan Lang cho theo đến kinh kỳ tham gia hội thi đấu võ. Và ông liên tục thắng cuộc trước sự thán phục của nhiều người.
Tiếng lành đồn xa, cái tên Hai Đào đã được con gái nhà vua thầm thương, trộm nhớ. Nhà vua biết chuyện đã tác hợp cho hai người và yêu cầu thầy đồ dạy chữ cho con rể. Được học chữ và thường xuyên tập luyện võ, ông trở thành người văn võ song toàn.
Một thời gian sau, giặc phương Bắc lăm le cướp vùng biên giới đất liền miền Tây xứ Thanh, Tư Mã Hai Đào đã xin viện trợ binh lính, vũ khí, lương thực để lên đường bảo vệ Tổ quốc. Để tạo thêm sức mạnh cho đạo quân của mình, ông đã triệu tập thêm binh lính, chuẩn bị lương thực, rèn thêm vũ khí rồi đưa quân lên biên giới (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát ngày nay) đánh đuổi giặc ngoại xâm, ngày đêm bảo vệ đất nước. Đoàn quân đã chiến đấu anh dũng và giành chiến thắng, mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân phía Tây Thanh Hoá.
Sau cuộc chiến, ông dành được chiến thắng, Tư Mã Hai Đào đã chọn Mường Xia làm thủ phủ cho chính mình. Kể từ đó, Mường Xia ngày càng phát triển, dân cư tập trung đông đúc, các hoạt động giao thương trở nên tấp nập. Khi về già, ông mất tại Mường Xia, người dân an táng ông tại núi Pha Dùa.
Nội dung của lễ hội Mường Xia
Lễ hội Mường Xia là dịp để người dân trong bản tại Quan Sơn cũng như du khách thập phương dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của Tư Mã Hai Đào.
Lễ hội được tổ chức 2 phần, phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm nghi lễ rước đá vía, đồ tế lễ về đền và dâng hương tại Đền thờ Tư mã Hai Đào.
Phần hội với chương trình nghệ thuật sân khấu hóa về chuyện tình Pha Dua và Tướng quân Tư mã Hai Đào. Hoạt động ý nghĩa này nhằm mục đích tái hiện lại tình yêu của đôi trai tài gái sắc nơi núi Pha Dùa. Bên cạnh đó, lễ hội còn có những hoạt động văn hoá, tâm linh gắn liền với phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp của người Thái đất Mường Xia và thể hiện sự tri ân công đức của các thế hệ đối với vị thần có công bảo vệ biên cương lãnh thổ, xây dựng Mường Xia trở nên phồn thịnh.
Bên cạnh các hoạt động văn hoá tâm linh, trong Lễ hội Mường Xia còn tổ chức nhiều trò chơi hấp dẫn như: đánh bóng chuyền, các trò chơi dân gian truyền thống và tổ chức hội thi văn nghệ quần chúng tại các điểm du lịch cộng đồng bản Ngàm (xã Sơn Điện), động Bo Cúng (xã Sơn Thủy) và các hoạt động tham quan trải nghiệm…
Trải qua hàng trăm năm với biết bao thăng trầm của lịch sử, Lễ hội Mường Xia vẫn được gìn giữ và phát triển từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ hội này góp phần to lớn trong việc hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí của người Thái Mường Xia. Cùng với đó là tương truyền giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Mường Xia trong lòng cộng đồng người Thái. Nếu bạn đang muốn một lần trải nghiệm không gian văn hoá của lễ hội đặc sắc này, hãy cùng đến huyện Quan Sơn vào Mùng 9 và Mùng 10 tháng 2 Âm lịch hằng năm bạn nhé!
Đăng lần đầu: July 10, 2023 @ 11:05 am
Discussion about this post